Trong các ngày từ 25-27/5/2023 tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh tổ chức chuỗi các sự kiện: Hội nghị giao ban CLB Khuyến nông đô thị lần 1, Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp”.
Tham dự hội nghị bà Vũ Thị Hương – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Chủ nhiệm CLB, có ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh; Ban cố vấn CLB và đại diện Trung tâm Khuyến nông 29 tỉnh, thành phố là thành viên CLB. Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng tham dự với tư cách là 1 trong 29 thành viên của CLB.
Các thành viên trong CLB họp, thảo luận
Các thành viên trong CLB đã có dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về kết quả hoạt động Khuyến nông đô thị thời gian qua, hoạt động 03 tháng năm 2023 và những định hướng hoạt động sắp tới. Được biết, trong 3 tháng đầu năm, các thành viên trong CLB Khuyến nông đô thị đã phối hợp thực hiện được 1.423 lớp tập huấn, đào tạo huấn luyện với 74.188 lượt người tham dự; Phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về Khuyến nông. Ngoài ra các thành viên CLB cũng tổ chức thành công 413 mô hình thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
Nhìn chung, các thành viên CLBKN đô thị đã nắm bắt kịp thời nhu cầu và mục tiêu và tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng và nhân rộng các mô hình phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp ở các khu vực đô thị và ven đô. Đa số những mô hình triển khai đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Thời gian tới, các thành viên trong CLB cần tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm trong hoạt động Khuyến nông trên các lĩnh vực như: chế độ chính sách của Trung ương, địa phương, các tiến bộ kỹ thuật, phương pháp sản xuất mới, mô hình hiệu quả, trao đổi thông tin, duy trì thường xuyên viết tin, bài giới thiệu về các mô hình Khuyến nông tại địa phương để giới thiệu trên trang Web của Trung tâm Khuyền nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến nông Hà Nội.
Theo bà Vũ Thị Hương - Chủ nhiệm CLB: Mỗi thành viên đều phải có trách nhiệm với sân chơi của mình trong mọi hoạt động như đóng góp ý kiến để hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, tăng cường giao lưu trao đổi, chia sẻ thông tin, kỹ thuật, kinh nghiệm hoạt động, các mô hình sản xuất hiệu quả, cách làm mới, cách làm hay để các thành viên trong CLB áp dụng trên điều kiện tự nhiên và tiềm năng sẵn có của mỗi vùng.
Trong khuôn khổ của Hội nghị đại biểu của 29 tỉnh, thành phố đã được tham quan mô hình hoa lan công nghệ cao và mô hình trồng nấm rơm tại Công ty TNHH May Hồ Gươm - Xã Lâm Thao - huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.
Đoàn đại biểu thăm ô hình hoa lan Công nghệ cao
Tại hội nghị này, chính thức kết nạp thêm 02 Trung tâm Khuyến nông: Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên và Thanh Hóa tham gia vào CLB. Đến nay, CLB Khuyến nông đô thị đã có 29 thành viên thuộc 29 tỉnh, thành trên cả nước.
Trao Quyết định kết nạp 02 Trung tâm Khuyến nông vào CLB
Kết thúc Hội nghị, Ban Chủ nhiệm trao cờ cho Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh - đơn vị chủ trì đăng cai tổ chức giao ban CLB Khuyến nông đô thị lần 2 vào tháng 10 năm 2023.
Trao cờ cho đơn vị đăng cai tổ chức CLB Khuyến nông đô thị lần 2
Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp”
Nằm trong chuỗi sự kiện, sáng ngày 26/5/2023 Trung tâm Khuyến nông Bắc Ninh tổ chức Hội nghị “ Giái pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp”.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào các vấn đề: Vai trò, tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong nông nghiệp; Thực trạng chuyển đổi số trong nông nghiệp tại các địa phương, kết quả đạt được và các kinh nghiệm; Thuận lợi và khó khăn chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp tại các địa phương; Các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp; Kiến nghị và đề xuất nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Bắc Ninh là một trong những tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước đưa chuyển đổi số vào ứng dụng trong hoạt động điều hành, giám sát; tính đến hết năm 2021 Bắc Ninh xếp thứ 4 toàn quốc trong lĩnh vực chuyển đổi số, trong đó chính quyền số xếp thứ 4, kinh tế số xếp thứ 6, xã hội số xếp thứ 6.
Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, trong xu thế toàn cầu hóa và sự bùng nổ về phát triển công nghệ thì chuyển đổi số là tất yếu, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TU ngày 18/3/2022 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh cũng xác định việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá góp phần thực hiện thắng lợi các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo.
Ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Bắc Ninh luôn có chính sách thúc đẩy chuyển đổi số như: hỗ trợ dán tem truy suất nguồn gốc, hỗ trợ xây dựng dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Đến nay giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ước đạt chiếm 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
"Hiện nay sản xuất nông nghiệp truyền thống đã và đang dần được thay thế bằng nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác. Nhiều cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư đưa công nghệ cao vào sản xuất, góp phần thay đổi tập quán, tư duy trong sản xuất" - ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Bắc Ninh nói.
Chuyển đổi số trong sản xuất hiện nay được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giúp cho người sản xuất tiết kiệm chi phí, minh bạch hóa sản phẩm khi đưa ra ngoài thị trường.
Đối với diện tích sản xuất rau, hoa cao cấp trong nhà màng, nhà kính hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới thông minh có kiểm soát, quản lý cây trồng theo lập trình qua máy tính, điện thoại thông minh được áp dụng hầu hết các cơ sở.
Trong sản xuất lúa nhiều địa phương đã mạnh dạn đưa thiết bị bay không người lái vào áp dụng trong gieo giống, rải phân, phun thuốc bảo vệ thực vật đã góp phần tăng hiệu quả kinh tế, giảm khả năng tiếp xúc trực tiếp với hóa chất bảo vệ thực vật độc hại bảo vệ sức khỏe đối với người sản xuất.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản được nhiều cơ sở, trang trại áp dụng, giúp nâng cao trong việc quản lý, giám sát, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người với vật nuôi góp phần hạn chế, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh. Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, hiện đã có 5 cơ sở sản xuất con giống trên địa bàn tỉnh đã đưa ứng dụng công nghệ số vào áp dụng một phần trong sản xuất, như quản lý đàn cá bố mẹ thông qua con chíp gắn trên cá.
Tại hội thảo, ông Đỗ Minh Phương - đại diện Trung tâm chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp (Bộ NNPTNT) trình bày tham luận về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nâng cao năng suất lao động. Theo ông Phương, trí tuệ nhân tạo (AI) đang được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Các ứng dụng của AI giúp các nông dân quản lý đất, tưới cây và thu hoạch nông sản một cách tối ưu hơn, đồng thời giúp ngành nông nghiệp dự đoán được sự bất ổn về môi trường và đưa ra các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại.
Quang cảnh Hội nghị
"Nói về thực trạng chuyển đối số trong nông nghiệp Việt Nam, chúng ta sẽ xem xét trong bối cảnh Việt Nam có 96 triệu dân, chúng ta thấy theo thống kê có 161 triệu thuê bao với 80% người dùng internet, 70% người dùng mạng xã hội... Đây là tiền năng rất lớn cho chuyển đổi số" - ông Phương nói và cho biết đối với ngành nông nghiệp, chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp đang ở mức rất khiêm tốn.
Đơn cử, năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đứng thứ 17/19 bộ ngành về chuyển đổi số, năm 2021 chúng ta thăng hạng lên một chút là 15/17. Tuy nhiên, chúng ta thấy trong ngành nông nghiệp, chuyển đổi số đang được ứng dụng mạnh mẽ ở chính quyền điện tử, chính phủ điện từ và chữ ký số trong công tác quản lý là chính" - ông Phương nói.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lê Minh Lịch - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thông tin, Việt Nam là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển khá mạnh. "Hiện nay chúng ta đứng thứ 15 thế giới và đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, do vậy nội dung chuyển đổi số trong nông nghiệp đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội" - ông Lịch nói và cho biết các ý kiến đóng góp của các đại biểu rất có ý nghĩa đối với nền nông nghiệp Việt Nam.
Theo ông Lịch, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ cụ thể hóa các đóng góp ý kiến bằng hành động và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện "Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu trong sự phát triển hiệu quả trong các hoạt động để chúng tôi hoàn thiện chuyên nghiệp hơn và gia tăng năng suất lao động" - ông Lịch khẳng định.
Ông Lê Minh Lịch – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại Hội nghị
Đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng, là dịp để cùng trao đổi, giải đáp những thắc mắc và chia sẻ những kinh nghiệm liên quan đến vấn đề chuyển đổi số trong phát triển sản xuất nông nghiệp, từ đó cũng giúp các nhà quản lý có cách nhìn toàn diện hơn để xây dựng chiến lược thúc đẩy chuyển đổi số một cách bền vững và đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay.
Các đại biểu thăm các thiết bị Công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp
Nguyễn Hương Giang - Phòng Đào tạo , Thông tin và thị trường