Người nông dân miệt mài phủ xanh cánh đồng bãi hoang

16:41:43 22/06/2024 Lượt xem 454 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

          Cánh đồng Bãi Hoang, xã Nam Hưng vài năm trước, cấy lúa kém hiệu quả, nhiều diện tích đất bị bỏ hoang. Nhìn diện tích “Bờ xôi ruộng mật” ngày nào giờ cỏ dại mọc um tùm, anh Phạm Văn Trình – Thôn Vân Đoài, xã Nam Hưng, huyện Tiên Lãng. Đã thu gom cải tạo thành vùng sản xuất lớn để cấy lúa. Đất đã không phụ công người, chính trên mảnh đất ấy, giờ đây đang được phủ xanh bằng những giống lúa có năng suất, chất lượng gạo ngon hứa hẹn mùa màng bội thu.

Diện tích lúa của anh Trình tại khu Bãi Hoang xã Nam Hưng

           Sinh năm 1975 trên vùng đất Nam Hưng (Tiên Lãng), anh nông dân Phạm Văn Trình vốn ôm ấp nhiều giấc mộng đổi đời, thoát khỏi cảnh khó khăn. Lang bạt mãi và làm đủ nghề rồi cũng không đến đâu, anh đã chọn con đường riêng là trở về quê để ...đi cấy. Khi gặp anh trên cánh đồng, anh Trình tâm sự: Lúc đầu tôi chỉ làm dịch vụ làm đất cho các hộ dân trong xã, nhiều năm tiếp xúc với bà con, hơn ai hết tôi hiểu được sự vất vả của người nông dân. Chính sản xuất nhỏ lẻ, manh mún là nguyên nhân dẫn đến chi phí cho sản xuất nông nghiệp tăng cao, mỗi hộ chỉ cấy 2 - 3 sào, các thửa ruộng lại bị chia nhỏ ở nhiều xứ đồng khác nhau, một số lao động đi làm ở các công ty, xí nghiệp nên cây lúa không được chăm sóc, vì thế thu nhập chẳng đáng là bao, nhiều hộ dân đã bỏ ruộng. Nhìn thấy cánh đồng màu mỡ ngày nào bỗng chốc hoang hóa, cỏ mọc quá nhiều, anh không khỏi xót xa. Suy nghĩ đi đôi với hành động, năm 2014 anh bàn bạc với gia đình đứng ra mạnh dạn thuê 12 ha đất chua trũng khó canh tác của các hộ dân và đất của xã tại vùng đất bãi hoang, xã Nam Hưng tiến hành chỉnh trang, cải tạo, quy hoạch lại bờ vùng, bờ thửa, lấp trũng ruộng bằng phẳng, thuận lợi cho tưới tiêu. Anh tự tìm tòi qua mạng Internet, sách, báo, tích cực tham gia các buổi tập huấn do Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng tổ chức, tham quan thực tế một số mô hình cấy lúa trong huyện rồi đưa các giống lúa mới năng suất cao vào gieo cấy như lúa Nhật DS1, JO2..., giống lúa thuần mới TBR279... Đây là giống lúa ít sâu bệnh, chất lượng gạo ngon, năng suất trung bình đạt trên 70 tạ/ha. Để giảm chi phí thuê nhân công, tăng hiệu quả sản xuất, anh đầu tư hệ thống máy móc trang thiết bị đồng bộ từ máy cày, máy cấy, máy gặt, máy bơm, máy bay không người lái phục vụ sạ giống, bón phân và phun thuốc trừ sâu... tổng chi phí đầu tư ban đầu trên 1 tỷ đồng.

           Từ diện tích đất hoang hóa, đến nay màu xanh của lúa đã phủ kín, trải dài ngút tầm mắt. Trung bình một năm 2 vụ lúa cho năng suất khoảng 120 tấn thóc. Để chủ động đầu ra cho sản phẩm, anh liên kết với công ty An Đình và công ty TNHH Nông Lâm Nghiệp Thanh Bình bao tiêu toàn bộ sản phẩm với mức giá 6.000- 7.000 đồng/kg thóc tươi. Theo anh Trình sản xuất nông nghiệp tuy ngày công, lãi suất không cao bằng các ngành nghề khác nhưng nếu sản xuất với quy mô lớn, đầu tư máy móc đồng bộ sẽ cho thu nhập ổn định và bền vững. Thời tiết thuận lợi, lúa được mùa, trung bình mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 300 triệu đồng, đây cũng là động lực để anh yên tâm, gắn bó với đồng ruộng. Thời gian tới, anh sẽ tiếp tục thuê thêm ruộng của bà con nông dân trong xã mở rộng phát triển nông nghiệp. Đồng thời xây dựng lò sấy xuất khẩu thóc khô, từ đó tìm kiếm đầu ra ổn định với giá cả tốt hơn.

            Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế, anh Trình còn nhiệt tình tham gia các phong trào hoạt động của địa phương.Từ mô hình của anh Trình, đến nay trong xã có nhiều hộ gia đình trồng lúa với quy mô lớn góp phần phát triển kinh tế và xoá bỏ ruộng hoang. Ông Nguyễn Văn Định – phó chủ tịch xã Nam Hưng cho biết: anh Trình là tấm gương sáng cho tinh thần vượt khó vươn lên làm giàu, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất lúa với mọi người. Ngoài ra anh rất tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, mạnh dạn phát biểu ý kiến trong các buổi tọa đàm do các cơ quan chuyên môn tổ chức. Anh cũng là người tiên phong áp dụng các mô hình nông nghiệp mới trong địa bàn huyện như mô hình dùng máy bay không người lái sạ lúa, mô hình cấy lúa ĐS1 theo chuỗi giá trị liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt trong vụ xuân 2024 cánh đồng của anh đã triển khai mô hình diệt chuột đến nay hiệu quả được các cơ quan chuyên môn và bà con đánh giá khá cao.

           Yêu ruộng đồng, quý từng tấc đất, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Anh Phạm Văn Trình đã tìm được hướng đi mới để hướng đến nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đồng thời cũng gợi mở nếp nghĩ, cách làm cho mọi người, góp phần tìm ra lời giải cho bài toán ruộng bỏ hoang ở nhiều địa phương.

Công ty thu mua sản phẩm ngay tại đầu bờ

KS. Vũ Ngọc Hưởng – Trạm KN Tiên Lãng

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 4160
  • Hôm qua: 7787
  • Tuần này: 4160
  • Tuần trước: 55422
  • Tháng này: 271449
  • Tháng trước: 488381
  • Lượt truy cập: 3709695
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon