Nam Đồ Sơn – Vùng đất hội tụ tiềm năng, khơi dậy sức sống mới nơi cửa biển Hải Phòng

17:38:46 22/07/2025 Lượt xem 300 Cỡ chữ

Model.C_Title
Mục lục

         Giữa làn gió mặn mòi của biển cả và nhịp sống đang chuyển mình từng ngày trên dải đất phía Nam quận Đồ Sơn, một đơn vị hành chính mới mang tên Nam Đồ Sơn đã chính thức ra đời – như một dấu mốc quan trọng, mở ra kỳ vọng về một giai đoạn phát triển bứt phá, năng động và bền vững.

        Phường Nam Đồ Sơn được thành lập theo Nghị quyết số 1669/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở sáp nhập ba phường: Hợp Đức, Minh Đức và Bàng La. Với diện tích hơn 21 km², dân số trên 30.000 người, phường mới không chỉ là sự cộng hưởng về địa lý hành chính mà còn là sự hội tụ giữa thiên nhiên, văn hóa, con người và khát vọng phát triển.

          Vị trí chiến lược – Giao thông kết nối liên vùng

        Nằm ở cửa ngõ phía Nam của thành phố Hải Phòng, Nam Đồ Sơn có vị trí đặc biệt thuận lợi về giao thông, hạ tầng và phát triển không gian đô thị ven biển. Tuyến cao tốc ven biển Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình đi qua địa bàn, giúp phường kết nối nhanh chóng với các trung tâm kinh tế trọng điểm vùng duyên hải Bắc Bộ.

Trụ sở làm việc Phường Nam Đồ Sơn

         Từ Nam Đồ Sơn, chỉ mất khoảng 4–5 km để đến Khu du lịch quốc gia Đồ Sơn, 20 phút tới trung tâm thành phố, đồng thời kết nối trực tiếp với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, sân bay quốc tế Cát Bi và cảng nước sâu Lạch Huyện.

         Sự đồng bộ này tạo điều kiện thuận lợi để Nam Đồ Sơn phát triển các lĩnh vực như: du lịch nghỉ dưỡng – sinh thái, nông nghiệp sạch, dịch vụ hậu cần cảng biển và logistics, đồng thời mở ra cơ hội tiêu thụ nông sản hiệu quả, thu hút nhà đầu tư.

          Hệ sinh thái biển – rừng – nông nghiệp: Tài nguyên phát triển du lịch bền vững

        Với diện tích khoảng 375 ha, rừng ngập mặn tại Nam Đồ Sơn kéo dài hơn 4 km, được hình thành từ năm 1997, nằm ngoài tuyến đê biển số 2, chủ yếu gồm các loài cây như sú, vẹt, đước.... Không chỉ đóng vai trò phòng hộ – chắn sóng, ngăn xói lở, điều hòa khí hậu và chống bão lũ, khu rừng này còn là hệ sinh thái ven biển đa dạng, nơi sinh sống của hàng chục loài chim nước, cua cá, côn trùng đặc hữu.

         Đặc biệt, vào mùa hoa nở (từ tháng 5 đến tháng 8), khu vực này trở thành một điểm đến lý tưởng cho mô hình du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp và giáo dục môi trường. Tại đây, du khách có thể:

Du khách được tự tay chèo thuyền tại rừng ngập mặn

       Chèo thuyền khám phá rừng ngập mặn, len lỏi giữa những hàng sú, vẹt.

        Tham gia nuôi ong lấy mật, trải nghiệm và nếm thử sản phẩm “Mật ong hoa sú, vẹt Tùng Hằng”.

Khách thăm quan tại vườn nho

        Trở thành nông dân trong một ngày: hái táo, thu hoạch cà chua, nho, trồng rau màu, câu cáy....

         Picnic giữa thiên nhiên, vẽ tranh, giáo dục môi trường cho trẻ.

Tour trải nghiệm, thăm quan rừng ngập mặn

       Hệ sinh thái nơi đây đang trở thành điểm đến thu hút du khách yêu thiên nhiên, học sinh sinh viên, gia đình và người yêu trải nghiệm nông nghiệp.

        Sản vật đặc trưng – Nông nghiệp gắn với du lịch

         * Táo Bàng La – Đặc sản vùng biển

        Táo Bàng La là sản phẩm OCOP tiêu biểu, với diện tích trồng hơn 125 ha, chăm sóc theo hướng an toàn sinh học. Quả táo giòn – ngọt – hơi chua nhẹ và có hậu vị mặn mòi của biển, trở thành đặc sản được du khách ưa chuộng và chọn mua làm quà.

Các Tour trải nghiệm, thăm quan tại vườn táo

        Vào mùa hoa táo, hơn 2.000 đàn ong được đặt trong vườn để lấy mật, tạo ra sản phẩm “Mật ong hoa táo Bàng La” nổi bật về hương vị và giá trị dinh dưỡng. Du khách đến đây có thể:

          Tham quan vườn táo, hái và thưởng thức tại chỗ.

           Tìm hiểu nghề nuôi ong, quay mật và nếm thử trực tiếp.

            Mua sản phẩm nông sản OCOP tại chỗ.

Sản phẩm: “Mật ong hoa táo Bàng La”

         * Cà chua Bàng La – Thương hiệu chất lượng cao

        Cà chua được trồng chủ yếu từ tháng 2 đến tháng 3, thu hoạch rộ vào tháng 5–6. Cà có màu đỏ tươi, quả chắc, giàu bột, ít nước, thích hợp để ăn tươi hoặc chế biến.

Thu hoạch cà chua tại Bàng La

        Du khách có thể trải nghiệm: Thu hoạch cà chua, học kỹ thuật trồng. Chế biến món ăn như salad, nước ép, tương cà thủ công. Chụp ảnh check-in tại cánh đồng chín đỏ, bên cạnh vườn nho, hoa màu. Mua các sản phẩm như cà chua sấy dẻo, nước ép đóng chai, sốt cà chua handmade

         Ẩm thực và văn hóa – Gắn kết giữa biển và bản sắc địa phương

         * Chả mực Đồ Sơn – Tinh hoa biển cả

        Món chả mực Đồ Sơn được làm hoàn toàn thủ công từ mực tươi, giã tay giữ độ dai giòn, chiên vàng ăn kèm bánh cuốn, xôi, bún... Đây là món đặc sản không thể bỏ qua với du khách khi đến Đồ Sơn.

         * Hải sản tươi sống – Trải nghiệm làng chài nguyên bản

          Tại Nam Đồ Sơn, du khách được trải nghiệm:

          Dậy sớm đi chợ cá đầu mối, mua hải sản vừa cập bến

         Tham gia tour “Làm ngư dân trong một ngày”: đi thuyền, câu mực, thả lưới

         Tự tay chế biến bữa ăn trên thuyền hoặc nhà bè giữa biển

        Thưởng thức các món đặc sản như nghêu hấp, sò nướng, cá nấu dưa, mực xào lá lốt...

         Tuyến du lịch kết nối: Tâm linh – Sinh thái – Nông nghiệp

         Nam Đồ Sơn đang hình thành các tuyến du lịch chuyên đề hấp dẫn kết nối:

         Đền Bàng La – nơi tổ chức lễ hội đầu xuân truyền thống với rước kiệu, hát chèo, tế lễ

Chùa Thiên Phúc- Phường Nam Đồ Sơn

        Chùa Thiên Phúc – tọa lạc tại Minh Đức, không gian thanh tịnh hướng ra rừng ngập mặn

        Rừng ngập mặn – Vườn táo – Làng chài truyền thống

       Hành trình kéo dài từ 1–2 ngày, đưa du khách trải nghiệm văn hóa – thiên nhiên – nông nghiệp một cách trọn vẹn cả về thể chất và tinh thần.

         3. Nam Đồ Sơn – Khát vọng chuyển mình sau sáp nhập

       Việc thành lập phường Nam Đồ Sơn không chỉ là điều chỉnh địa giới hành chính, mà còn là bước đi chiến lược nhằm phát huy tổng lực tiềm năng vùng ven đô ven biển, định hình nên một không gian phát triển mới hiện đại, hài hòa và bền vững. Với hạ tầng giao thông đang mở rộng, hệ sinh thái phong phú, bản sắc văn hóa đặc trưng và tinh thần đổi mới từ chính quyền đến người dân, Nam Đồ Sơn đang vươn mình mạnh mẽ trở thành trung tâm kinh tế – du lịch – nông nghiệp xanh của thành phố Hải Phòng trong thời gian tới.

         Nam Đồ Sơn hôm nay là điểm khởi đầu – và cũng là lời hứa hẹn – cho một tương lai bền vững, năng động và thịnh vượng của vùng đất cửa biển Hải Phòng.

 

K.S Nguyễn Thị Nhanh - Trạm Khuyến nông Kiến Thụy

 

Đối tác/Liên kết
Trang chủ
Thống kê truy cập
  • Hôm nay: 1169
  • Hôm qua: 8234
  • Tuần này: 26888
  • Tuần trước: 58377
  • Tháng này: 628574
  • Tháng trước: 637172
  • Lượt truy cập: 6927093
QR Code

Dùng điện thoại scan mã QR này để truy cập vào website

QR Code
0225.3541.398 
messenger icon