Vụ Xuân năm 2024 toàn huyện Thủy Nguyên gieo cấy 100% trà Xuân muộn với 4233,22 ha lúa. Hiện nay lúa Xuân chủ yếu đang giai đoạn làm đòng, lúa sinh trưởng xanh tốt, một số diện tích có biểu hiện thừa đạm.
Theo điều tra của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông trên đồng ruộng xuất hiện nhiều đối tượng sâu bệnh hại có nguy cơ đe doạ đến năng suất lúa như: rầy, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ lứa 2.
Trước tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, để bảo vệ năng suất lúa vụ Xuân năm 2024, sáng ngày 25/4/2024 Uỷ ban nhân dân huyện tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 tại Hội trường Uỷ ban nhân dân xã Đông Sơn.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Tham dự Hội nghị có bà Vũ Thị Lan Hương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật; ông Vũ Thành Quang - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - chủ trì Hội nghị; Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông, Uỷ ban nhân dân, Hợp tác xã có sản xuất nông nghiệp cùng toàn thể các đại lý buôn bán thuốc Bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện.
Tại hội nghị bà Nguyễn Thị Phượng - Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật đại diện cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật huyện Thủy Nguyên báo cáo công tác dự tính dự báo sinh vật gây hại và đề xuất một số biện pháp bảo vệ sản xuất lúa vụ Xuân năm 2024. Theo báo cáo trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 vũ hoá rộ từ ngày 22/4 trở đi mật độ rất cao và vũ hoá kéo dài, mật độ phổ biến 7 - 8 con/m2, cao 15 - 20 con/m2, cá biệt 40 - 50 con/m2. Kết quả điều tra ngày 24/4 cho thấy mật độ trứng trung bình 30 - 40 quả/m2, cao 50 - 60 quả/m2, cá biệt 100 quả/m2. Mật độ sâu non trung bình 20 - 25 con/m2, cao 40 - 45 con/m2, cá biệt 100 con/m2. Mật độ trứng và sâu non sẽ tăng nhanh trong những ngày tới, đây là lứa sâu có mật độ rất cao so với trung bình nhiều năm, gây hại trên diện rộng, gây hại lá đòng và lá công năng trên trà lúa Xuân. Gây hại nặng và làm giảm năng suất nghiêm trọng nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời và hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Thị Phượng -Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật
Ngoài ra trên đồng ruộng còn xuất hiện rầy với mật độ trung bình 200-300 con/m2, cao 1200-1500 con/m2, cá biệt 3000-4000 con/m2. Bệnh đạo ôn cổ bông trên các giống nhiễm như BC15, TBR225, Khang dân 18, Đài thơm 8, Nếp các loại, VT404.
Trong báo cáo đã đề xuất một số giải pháp để bảo vệ sản xuất như tuyên truyền rộng rãi về mức độ ảnh hưởng của sâu bệnh hại đến năng suất đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 và rầy trong giai đoạn này để nông dân chủ động phun trừ hiệu quả. Đối với sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 tổ chức phun trừ từ đầu tháng 5 trở đi, do mật độ sâu non rất cao, cần tổ chức phun kép lần 2 sau lần 1 từ 3-5 ngày nếu mật độ sâu non còn trên 20 con/m2 trở lên. Khuyến cáo nên sử dụng các loại thuốc sâu: Incipio 200SC, Obaone 95WG, Clever 150SC, Chlorin 10SC… để phun trừ.
Đến dự Hội nghị bà Vũ Thị Lan Hương Phó chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng đề nghị đội ngũ cán bộ kĩ thuật đi sâu sát từng xứ đồng khuyến cáo các hộ nông dân thực hiện tốt nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật. Với mật độ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 rất cao, bà cũng đề nghị với các đại lí buôn bán thuốc Bảo vệ thực vật bán đúng chủng loại thuốc để công tác phun trừ sâu bệnh đạt hiệu quả cao nhất.
Kết thúc Hội nghị ông Vũ Thành Quang tiếp thu ý kiến và quán triệt tới từng đại biểu các xã có sản xuất nông nghiệp chỉ đạo tốt công tác phun trừ sâu bệnh, các đại lý thuốc Bảo vệ thực vật bán đúng thuốc để hiệu quả phun trừ sâu bệnh tốt bảo vệ năng suất lúa vụ Xuân năm 2024.
KS. Trương Thị Yến - Trạm KN Thủy Nguyên