Thời điểm này, các địa phương trên địa bàn huyện Kiến Thụy đang triển khai thu hoạch lúa Xuân 2022, dự kiến cơ bản xong trước ngày 25/6/2022. Việc đẩy nhanh thu hoạch lúa Xuân có ý nghĩa quyết định tới tiến độ sản xuất vụ tiếp theo, do vậy, các địa phương đã tập trung máy móc, nhân lực tối đa cho thu hoạch lúa để đảm bảo năng suất, kịp thời vụ.
Máy làm đất tập trung tăng cường cho kịp thời vụ
Hoàn thành kế hoạch đề ra
Vụ Xuân 2022, huyện Kiến Thụy cơ bản vẫn đạt kế hoạch đề ra với diện tích cấy 3507,7ha, năng suất trung bình ước đạt 70,5 tạ/ha dù thời tiết diễn biến bất thường, ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng sinh trưởng, phát triển của các trà lúa cũng như giá các loại vật tư “đầu vào” tăng cao.
Một số xã như Đại Hà, Tân Trào, Ngũ Đoan có diện tích cấy sớm nhất của huyện đến nay gần như cơ bản đã thu hoạch xong lúa Xuân với năng suất thống kê đạt trên 70 tạ/ha. Những xã có diện tích cấy muộn như Đông Phương, Đại Đồng, Ngũ Phúc cũng đã huy động máy móc cơ giới tập trung gặt những diện tích lúa đã chín với phương châm “ xanh nhà hơn già đồng” để đảm bảo năng suất, hạn chế rầy nâu cuối vụ và mưa giông do thời tiết.
Để đạt được năng suất trên huyện Kiến Thụy đã triển khai, chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu vụ: thứ nhất, cơ cấu 80% giống lúa chất lượng cao, có năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Thứ hai, chú trọng phòng trừ sâu bệnh ngay từ đầu vụ, chủ động phát hiện sớm, xử lý kịp thời. Thứ ba, sử dụng phân bón cân đối, hợp lý, tiết kiệm; hạn chế bón phân đạm ở thời kỳ lúa đứng cái, làm đòng để đề phòng bệnh đạo ôn và bệnh bạc lá... Theo đó, hầu hết các xã trên địa bàn huyện hạn chế được sâu bệnh hại với cây lúa trong vụ Xuân.
Chủ động các giải pháp sản xuất vụ mùa
Dự báo vụ Mùa 2022 các tỉnh phía Bắc luôn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, đầu vụ gieo cấy có thể gặp mưa lớn gây ngập úng cục bộ, đặc biệt ở những vùng đất thấp, không thể chủ động tiêu thoát nước. Trước thực tế đó, Phòng NN&PTNT huyện Kiến Thụy đề nghị các địa phương khẩn trương thu hoạch lúa Xuân 2022, đồng thời thực hiện nguyên tắc gieo cấy vụ mùa càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, để bảo đảm vụ sản xuất kế tiếp không bị thiệt hại thêm, các địa phương chủ động bám sát đồng ruộng, tổ chức nhân lực, vật lực để thu hoạch lúa trong thời gian nhanh nhất.
Ông Vũ Văn Dai – Phó chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết “Chưa năm nào nông dân vất vả như năm nay, do lúa chín muộn hơn dự kiến, trong khi các loại giống và vật tư nông nghiệp tăng từng ngày, nên để bảo đảm tiến độ gieo cấy vụ Mùa, địa phương vừa tranh thủ thu hoạch nhanh gọn lúa Xuân, vừa tranh thủ vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch để sẵn sàng gieo cấy vụ mùa”.
Theo ông Nguyễn Quang Trung – Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Kiến Thụy nhận định: vụ Mùa sẽ gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết cũng như sâu bệnh gây hại, do vậy, Trạm phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân chấp hành đúng khung lịch mùa vụ, chuẩn bị giống, phân bón, vật tư, nông dân thu hoạch đến đâu làm đất, vùi sâu gốc rạ đến đó, giữ nước trên ruộng... Ngoài ra, nên bón thêm vôi bột hoặc một số chế phẩm sinh học để tăng cường phân hủy rơm rạ, hạn chế nguồn sâu bệnh và tránh ngộ độc hữu cơ cho lúa Mùa.
Vụ Mùa, toàn huyện Kiến Thụy dự kiến gieo trồng gần 3.176 ha. Trong bối cảnh giá vật tư sản xuất “đầu vào” tăng cao, các địa phương cần khuyến khích nông dân áp dụng biện pháp canh tác tiên tiến, sử dụng phân bón tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả để giảm chi phí sản xuất. Mặt khác, khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nguy cơ xuất hiện các mặt hàng kém chất lượng, hàng giả... rất cao, do đó, các cơ quan chuyên môn, địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm ổn định thị trường vật tư nông nghiệp...để có một vụ mùa bội thu.
Mạ Mùa đã gieo
Ks. Hoàng Văn Phương – Trạm Khuyến nông Kiến Thụy