Tổng đàn tụt mạnh, tiêu thụ khó khăn, giá rớt thảm, nhiều doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi gia cầm đứng trước bờ vực phá sản, phải treo chuồng…
Gía rớt thảm, khó tiêu thụ, tổng đản giảm tụt mạnh
Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiến nghị một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành gia cầm.
Tổng đàn gia cầm hiện đã tụt mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Đồ họa: Lê Bền.
Theo VIPA, trong suốt cả năm 2020, đặc biệt từ cuối tháng 4/2021 đến nay, kể từ khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát ở nước ta, ngành chăn nuôi gia cầm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức; sản xuất, kinh doanh của toàn ngành bị sa sút mạnh.
Theo tính toán của VIPA, so với cùng kỳ năm 2020, tổng đàn gia cầm cả nước hiện đã giảm khoảng 36,26%, từ 512,690 triệu con nay xuống còn 326,769 triệu con.
Trong đó, tổng đàn gà từ 409,500 triệu con xuống còn khoảng 266,175 triệu con, giảm 35%; vịt từ 86,563 triệu con xuống còn 60,594 triệu con, giảm 30%; sản lượng trứng từ 16,681 tỷ quả xuống còn 13,345 tỷ quả, giảm 20%.
Một số doanh nghiệp/trang trại buộc phải giảm quy mô sản xuất, hoặc tạm ngừng tái đàn vì sản xuất, kinh doanh thua lỗ.
Việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm thời gian qua và hiện nay rất khó khăn. Giá bán một số sản phẩm không những thấp hơn giá thành nhưng tất cả các loại sản phẩm đều khó tiêu thụ, nhất là gà đẻ loại và con giống 1 ngày tuổi (1 NT).
Cụ thể trong 3 tháng gần đây, giá bán gà con lông màu 01 ngày tuổi chỉ còn 5-6 nghìn đồng/con, gà 1 NT lông trắng 7-8 nghìn đồng/con; vịt con 1 NT từ 8-9 nghìn đồng; gà thịt lông màu 45-55 nghìn đồng/kg, tùy loại; gà thịt lông trắng 24-25 nghìn đồng/kg, vịt thịt 32-35 nghìn đồng/kg.
Theo VIPA, khoảng 70-75% gia trại và hộ chăn nuôi nhỏ đã phải tạm ngừng tái đàn. Ảnh: TL
45-50% trại lớn treo chuồng
Trứng gà chỉ còn 1.200-1.400 đ/quả, trứng vịt 1.700-1.800 đ/quả. Với giá bán sản phẩm nêu trên, người sản xuất đang bị thua lỗ nặng.
Trong khi đó sản lượng gia cầm giống và thịt gà đông lạnh nhập khẩu hàng năm đều tăng. Riêng năm 2020 nước ta đã đã nhập khẩu 3,87 triệu gia cầm giống, 215 nghìn tấn thịt gà đông lạnh, tương đương 20,4% sản lượng thịt gà sản xuất trong nước.
Do chịu áp lực kép về dịch bệnh Covid-19 và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, hậu quả là đến thời điểm này có khoảng 45-50% trang trại gia cầm lớn treo chuồng và khoảng 70-75% gia trại và số hộ chăn nuôi tạm ngừng tái đàn. Nhiều doanh nghiệp và trang trại gia cầm đang đứng bên bờ vực phá sản.
VIPA nhận định nếu tình trạng này kéo dài thì nguy cơ trong quý IV năm nay, sẽ thiếu hụt nguồn cung trong nước về sản phẩm gia cầm, kéo theo hậu quả là thịt gà đông lạnh sẽ có cơ hội chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Cũng theo VIPA, hiện ngành chăn nuôi gia cầm còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác như giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng và đứng ở mức cao chưa từng có trong 10 năm gần đây.
Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm lớn cũng đang đối mặt với nguy cơ phá sản. Ảnh: TL.
Doanh nghiệp và hộ chăn nuôi thiếu vốn để duy trì sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Mặc dù đã có chính sách của nhà nước về gia hạn nợ, khoanh nợ, tái cấp vốn, nhưng phần lớn các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận các khoản vay mới.
Chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao do phải tách chuyến hoặc tăng cường chuyến hàng hóa trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19.
Việc nhập khẩu một số hàng hóa đầu vào phục vụ chăn nuôi, như nguyên liệu thức ăn và thuốc thú y, vacxin gặp khó khăn do giá tăng cao, hoặc ngưng trệ các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, sản xuất gia cầm trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm gia cầm, đặc biệt là thịt gà đông lạnh nhập khẩu giá rẻ.
Khẩn cấp cứu chăn nuôi gia cầm
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành gia cầm, VIPA đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành một số kiến nghị.
Cần coi các sản phẩm trực tiếp phục vụ sản xuất, kinh doanh gia cầm, bao gồm con giống, thịt trứng gia cầm, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y thiết bị chăn nuôi là các hàng hóa thiết yếu được ưu tiên lưu thông vận chuyển, tiêu thụ trong phạm vi toàn quốc trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.
VIPA kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan khẩn cấp có các giải pháp nhằm "cứu" ngành chăn nuôi gia cầm. Ảnh: TL.
Theo đó, tại các trạm, chốt kiểm soát dịch bệnh của địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các xe vận chuyển gia cầm, trứng, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y lưu thông trên địa bàn và ra tỉnh ngoài sau khi được phun khử khuẩn và đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh theo quy định.
Nếu tại các cơ sở chăn nuôi tập trung, chế biến giết mổ lớn có các trường hợp là F2 thì được ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện cách ly giám sát ngay tại cơ sở sản xuất của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ tự chi trả chi phí xét nghiệm và chi phí trong thời gian cách ly.
Đối với các địa phương đang thực hiện giản cách xã hội, cần có các biện pháp khẩn cấp để tiêu thụ nông sản nói chung và sản phẩm gia cầm nói riêng, chẳng hạn hỗ trợ các điều kiện an toàn cho việc vận chuyển, tiêu thụ hàng nông sản, trong đó làm tốt công tác xét nghiệm, khử khuẩn, chứng nhận về sản phẩm, xe hàng, chủ hàng, người vận chuyển, các tình nguyện viên thu mua, tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn dịch bệnh... để đảm bảo hàng nông sản đủ điều kiện lưu thông, vận chuyển, tiêu thụ tại các thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời, nghiên cứu phương án xét nghiệm trên cơ sở test nhanh SARS-CoV-2 miễn phí cho chủ hàng, người vận chuyển; cấp giấy chứng nhận an toàn ngay tại cơ sở sản xuất, kinh doanh để thuận lợi cho các chủ hàng và người tham gia vận chuyển.
Nông hộ nhỏ là đối tượng dễ tổn thương, chịu thiệt hại nặng nề nhất trước tình hình khó khăn của chăn nuôi gia cầm hiện nay. Ảnh: TL.
Bên cạnh đó, cần thiết có các biện pháp và hàng rào kỹ thuật phù hợp để hạn chế và siết chặt kiểm soát chất lượng sản phẩm gia cầm nhập khẩu.
Để bảo đảm an toàn dịch bệnh Covid-19 tại các cơ sở sản xuất gia cầm, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thiết bị, chế biến giết mổ tập trung, VIPA đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch xem xét ưu tiên cho người lao động tại các vùng dịch hoặc vùng nguy cơ cao được tiêm vacxin Covid-19 ngay.
Đồng thời kiến nghị Chính phủ có chủ trương để các doanh nghiệp thuộc các hiệp hội ngành hàng được chi trả tiền mua vacxin Covid-19, chi phí tiêm phòng nhằm chia sẻ và giảm nhẹ gánh nặng ngân sách cho Nhà nước.
Khẩn cấp bình ổn giá thức ăn
VIPA đề nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần có các biện pháp khẩn cấp trước mắt để bình ổn giá thức ăn chăn nuôi và chiến lược lâu dài về chủ động sản xuất các nguyên liệu thức ăn cơ bản.
Trước mắt đề nghị cắt giảm 50% thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và các loại phí, lệ phí khác để góp phần kìm hãm đà tăng giá thức ăn chăn nuôi.
Tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, khoanh nợ, cơ cấu lại nợ, tái cấp vốn, hạ lãi suất cho vay; đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2021 và 2022; giảm thuế bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất của năm 2021-2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.